Mùa hạ đầu tiên

Chương 64



Phần 64

Chiều hôm qua, khi Diệp còn ấm ức với “nụ hôn bất ngờ” kia thì Thùy Trang, có lẽ cũng ấm ức giùm bạn, lấy điện thoại ra bấm tin nhắn kể sự tình cho anh Toàn. Và chuyện sau đó giống hoàn toàn như bé Phương kể tôi lúc trưa.

– Mà ở đâu bé Trang có điện thoại?

– Của bé Diệp.

– Bé Diệp có di động à? – Tôi hơi ngạc nhiên.

– Ừ. Nghe bé Trang nói thằng Toàn mua cho nó.

Tôi nghe xong vỗ vỗ tay vào trán. Thật vi diệu ngoài sức tưởng tượng. Thời của bọn tôi lúc đó, nền tảng điện thoại không dây đã khá phát triển nhưng không đại trà và phổ biến như bây giờ. Để có một chiếc điện thoại dùng được vị chi cũng phải mất tầm tiền triệu. Mà số tiền đó đối với học trò nghèo vùng ngoại ô thật đúng là không tưởng. Nhưng với một người đã đi làm lâu năm thì chuyện này cũng không phải quá khó.

Nghĩ tới nghĩ lui tôi cũng thấy cay cay sống mũi thật. Đồng ý tôi với thằng Đông không phải bạn thân chí cốt. Nhưng cũng không phải kiểu nước giếng nước sông. Đặc biệt từ hồi đội bóng lớp tôi được thành lập, những thành viên trong đội như nó và tôi thường xuyên ngồi túm tụm quanh cốc mía ly chè sau những trận so tài gay cấn, vậy nên tình cảm cũng phát triển lên. Nhưng bỏ qua tất cả, quan trọng hơn nó là thành viên của lớp tôi. Và một thằng ất ơ nào đó bên ngoài chặn đường đánh nó nghĩa là động vào lớp tôi. Tôi không thể ngồi yên được.

Đấy là tôi nghĩ vậy. Còn khi không ngồi yên, nằm xuống, đứng dậy hay khoa chân múa tay vài vòng tôi chưa suy nghĩ ra. Mà bé Phương nói cũng không phải gửi lời vào gió. Nó cân nhắc hết mọi chuyện rồi mới tìm đến tôi. Thôi cứ từ từ, mai lên gặp thằng Đông nói chuyện xem ý nó ra sao đã, tiếp đó cứ tùy cơ mà tính.

Ôm mớ bài tập dày cộm thả cái độp lên bàn tôi ngao ngán thở dài. Lắm lúc cứ nghĩ tới một tương lai đầy màu hồng. Nào là đỗ vào trường mình thích, nào là có thời gian ôn luyện tiếng Anh, nào là thể hình, bóng đá, thơ ca nhạc họa. Còn giả như rớt thì sạch sẽ, chả có gì. Ấy là tôi nghĩ đơn giản phần mình thôi. Còn như kiểu phức tạp hóa lên, liên quan đến bà con cha mẹ bạn dì em chú đủ mọi thể loại hơn thua ganh đua cao thấp. Lại còn cả ai kia nữa… Nén tiếng thở dài, tôi làm một tua tới gần 11h30 rồi mới lục tục lên ăn trưa đi học.

Chiều hôm nay lớp tôi có vẻ rất khác. Khác chỗ nào tôi không rõ lắm nhưng tôi nhận ra được có gì đó không bình thường. Chắc sắp nghỉ tết, không khí thoải mái thư giãn hơn mọi hôm chút ít. Ngoài cửa sổ, gió nhẹ từng cơn cứ mơn man vài cành lộc biếc đang chuẩn bị chồi non. Bầu trời quang đãng, ánh nắng nhẹ nhàng, không gian thư thả. Ngồi tựa lưng vào chiếc bàn phía sau liếc nhìn qua Diệp, thấy em và Trang đang thì thầm gì đó có vẻ kỳ bí. Đưa mắt nhìn tiếp qua chỗ bé Phương, vô tình thấy Bảo Trâm cũng sắc lẹm ánh mắt chờ đợi. Tiếp tục ngó xuống chỗ thằng Đông, thấy nó có vẻ nhấp nhổm kiểu như muốn gì đó nhưng chẳng đặng. Quay lên bảng ngồi suy nghĩ, bỗng một tia sáng lóe qua não như điện xẹt, tôi lẩm nhẩm trong đầu: Bảo Trâm lớn lên ở chợ mới dưới khu đầu mối, lại từng nghe phong thanh năm xưa vì nghĩa hiệp giúp bạn, đi đánh nhau rồi xé áo dài của đối thủ, bị đình chỉ học một tuần liền. Hôm qua, ánh mắt của Bảo Trâm khi tôi hỏi bé Phương rõ ràng có ánh lên chút sát khí, hôm nay sát khí đó bốc lên ngùn ngụt. Lại nghĩ về chính bản thân mình hôm qua khi cay cay nơi sống mũi, tôi bất giác giật mình. Có khi nào… Chẳng lẽ lát ra về Trâm lại đi đánh Diệp sao? Khoan. Điều này khó có thể xảy ra. Vì xét lại, Trâm nể tôi một phép. Diệp là bạn, dù không gắn bó cũng có thể gọi từng thân thiết với tôi, hơn nữa, trong chuyện này, Diệp bị động hoàn toàn. Không thể vậy được. Nhưng tất cả những gì tôi đang cảm giác là sao nhỉ?

Lại quay xuống nhìn mặt từng đứa. Vẫn vậy. Tất cả hình như đang chờ đợi một điều gì đó đã hẹn trước. Tôi đứng dậy xin phép cô Thúy cho ra ngoài vệ sinh. Qua dãy hành lang, liếc ra phía ngoài cổng, có vài thanh niên đang ngồi uống nước mía bên ngoài, nhưng bộ dạng giống kiểu chờ đón người thân hơn là chuẩn bị choảng ai đó. Quay qua chỗ chiếc trống đang nằm im thin thít gần lối cầu thang đi lên, nhìn lại đồng hồ, còn hơn năm phút nữa ra về, tôi quay vô lớp nhanh chóng bỏ hết sách vở vào cặp rồi nói ku Danh:

– Lát về mi xách cặp giúp ta nghe, ra cổng gặp.

– Mi làm gì?

– Ta nói chuyện với ku Đông chút.

– Định giúp nó à?

– Giúp gì? – Tôi sửng sốt.

Cô Thúy thấy hai thằng to con bàn đầu tám chuyện trong giờ, lại thấy bộ dạng bộp chộp của tôi, cô lên tiếng nhắc nhở. Tạm gác lại câu chuyện dang dở, quay lên bảng với nhiều suy nghĩ chưa thông, tiếng trống trường đột ngột điểm vang, tôi vội vã quay qua ku Danh:

– Giúp gì mi?

– Thì nghe tụi thằng Đông nói lát ra về nó tìm choảng lại tụi hôm bữa choảng nó.

– Biết ở đâu mà tìm?

– Bé Diệp đó – nó vừa nói vừa chỉ tay qua – thằng đó đón bé Diệp về.

– Nhưng mọi khi bé Diệp đâu có ai đón?

– …

Thoáng nghe thằng Danh nói với theo gì đó phía sau nhưng sợ không kịp, tôi vội vã chạy ra khỏi chỗ đi tìm thằng Đông khi không thấy nó ở chỗ ngồi nữa. Đảo mắt khắp sân trường ra đến tận cổng mới thấy áo nó đã khuất sau cánh cửa. Tôi lại quay qua tìm Diệp, thấy em đang lo lắng đi ra khỏi lớp, tôi chạy lại:

– Hôm nay anh Toàn đón Diệp hả?

– Ừ, sao V biết?

– Coi chừng thằng Đông…

– Diệp biết rồi. – Em ngắt lời khi tôi chưa nói hết câu.

– Sao Diệp biết? – Tôi ngẩn ra.

– Diệp nói sau. – Em vừa trả lời vừa vội vã đi về phía cổng.

Không kịp rồi. Tôi đấm tay vào thành lan can bực dọc. Đành đợi xem chuyện tới đâu vậy. Thằng Đông mà tính ngu, đánh nhau tại cổng là hạnh kiểm yếu cả lũ.

Nhận chiếc cặp từ tay ku Danh, tôi khoát tay gọi nó đi nhanh hơn. Ra đến cổng, thấy Diệp đang đứng đối diện một người con trai, dáng người hơi gầy, cũng không cao lắm, tóc để đuôi tôm dài xuống tận gáy, mặc một chiếc áo thun mỏng cụt tay và quần lửng đến gối. Bắp tay xăm hình gì đó kiểu như con mắt Ai Cập. Chắc là anh Toàn đây. Nhìn xong tôi lại thở dài… mình thua gì người ta cơ chứ. Quan sát kỹ điệu bộ, hình như hai người đang cãi nhau. Diệp liên tục nói gì đó còn đối phương thì mặt mũi cứ hằm hằm kiểu không nghe thấy, không quan tâm. Tôi nhíu mày nghĩ ngợi, chợt trong lòng dâng lên thứ cảm xúc thật khó tả. Nửa như bất lực, nửa như buông bỏ. Đảo mắt quanh tìm thằng Đông trong đám học trò tan trường ngày giáp tết đông như trẩy hội, chợt bắt gặp Bảo Trâm đang đứng với hai ba thằng người đầy xăm trổ, thoáng giật mình, tôi lẩm bẩm “chắc tụi nó không đánh con gái, còn người khác, tôi mặc, anh xứng đáng nhận những thứ như vậy.”

Tôi với ku Danh đứng yên quan sát xung quanh. Học sinh về gần hết, khu vực trước cổng trường bắt đầu thưa dần. Bên kia, Diệp ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế nhựa đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Anh Toàn tay cầm điện thoại đưa lên hạ xuống liên tục. Phía đối diện, bên chỗ gửi xe, Bảo Trâm cũng đứng quan sát, rồi thì thầm gì đó với tụi kia. Sau đó 3 thằng manh nha tiến lại chỗ Diệp. Tôi với ku Danh cũng đứng bật dậy đi về phía đó. Toàn cũng không ra vẻ gì kiểu ngại va chạm mà nắm tay vào chiếc ghế đợi sẵn. Hai bên sắp sáp lá cà. Tôi tiến đến gần hơn, bỗng thấy Diệp bật ra tiếng khóc. Nhìn vào khuôn mặt em. Hai dòng lệ cứ chảy ra không ngớt, những tiếng nấc nghẹn ngào cũng vang lên từng hồi. Rồi một chiếc xe máy chất ba chạy xồ tới, hai thằng ngồi sau nhảy xuống trước cầm hai thanh mã tấu dài chạy theo đuổi chém nhóm của Trâm. Toàn cũng chạy theo cùng đồng bọn. Diệp vẫn ngồi tại chỗ và khóc nấc lên từng tiếng. Em nào biết rằng, từng tiếng nấc của em bây giờ, cả trong đêm cũ trong công viên thanh niên là từng nhát cắt vào lòng tôi đau nhói. Người con gái tôi mến thương ngày trước đã không thuộc về tôi. Và dường như, em cũng không thuộc về em…

Nhìn theo đám người đang đuổi chém nhau chạy loạn lên một góc đường, tôi chợt thấy thương em vô ngần. Em không thuộc về chúng. Không thuộc về những thứ đó. Nhưng… tại sao vậy???

Một, hai, ba, rồi bốn tên côn đồ cầm mã tấu trên tay lần lượt ngã xuống mặt đường. Phía sau là vài người đàn ông chắc nịch đè xuống khóa tay rồi rút chiếc còng số 8 ra gông vào từng đứa. Thì ra nhà trường cũng biết đến việc này. Có lẽ trường đã thông báo cho công an chuẩn bị sẵn để phối hợp ngăn chặn vụ ẩu đả gây mất trật tự này. Trụ sở công an Quận cũng chỉ cách trường vừa đúng 500m. Thấy anh Toàn bị khóa tay dẫn đi ngang trước mắt, Diệp lại ngẩn ngơ nhìn tôi, tiếng nấc cũng bớt vang lên… Tôi quay lại nhìn vào mắt em, rồi thì thầm:

– Tại sao vậy Diệp?

– … – Em không nói chỉ im lặng lắc đầu.

– V không nói về chuyện đánh nhau, V muốn hỏi tại sao phải… là người đó?

– … – Em vẫn không nói, chỉ lắc đầu, rồi lại khóc…

– Máu nóng dồn lên não, tôi gầm lên trong kẽ răng – Gặp vấn đề thì phải giải quyết chứ không phải khóc, khóc không làm mọi chuyện kết thúc đâu. Nếu Diệp còn xem V là bạn và muốn chia sẻ thì tối mai, ở chỗ cũ. Còn không, Diệp cứ coi như V không có trên đời vậy.

Tôi bỏ đi với đầy ắp bực dọc trong người. Bỏ luôn buổi học thêm cuối cùng trước khi nghỉ tết. Ngang qua chỗ Bảo Trâm lấy xe, tôi lại đánh ánh lườm sắc lẹm “người ngoài không giải quyết được chuyện trong, đừng có lanh quá.” Nói xong, vừa hay tôi cũng thấy Thương và Linh trước mặt. Em sửng sốt nhìn vẻ mặt đằng đằng sát khí của tôi lúc này. Vừa thấy em, mặt tôi giãn ra đôi chút, môi mím lại, rồi thở dài, đi thẳng đến cả em, tôi nói khẽ “V là người Thương vẫn nghĩ, chứ không phải người Thương vừa nghĩ!”

Chương trước Chương tiếp
Loading...