Nguyệt

Chương 6



Phần 6

Chỉ còn mấy hôm nữa là sinh nhật con bé tròn năm tuổi và bước sang tuổi thứ sáu, anh Tùng và gia đình đang về quê vì gia đình vợ có việc. Anh Tùng lấy vợ được hơn hai năm đã có một bé trai hơn một tuổi. Nghĩ cũng vui, anh chị nên duyên một phần là do con bé nhà tôi. Hôm đó chúng tôi đi ăn mừng vì thu nhập đầu tiên của Công ty, cũng hôm đó tôi mua được chiếc xe ô tô i10 khá mới do anh chủ cũ muốn đổi xe to hơn, cho bố con tôi.

Chúng tôi uống beer trong một khu thương mại chỉ vì tôi không muốn con bé nhà tôi phải chịu mùi khói thuốc và ồn ào ở quán beer bên ngoài. Tại tôi không cẩn thận nên lúc nhét con gấu bông vào balo cho con bé quên không cài khóa làm nó bị rơi, con bé không tìm thấy gấu bông cũng không nói với tôi mà nhảy xuống ghế chạy đi tìm, tôi và mấy anh em uống beer đang mải vui với thành công không để ý. Lúc tôi nhận ra không có con bé ở đó, mấy anh em mới hốt hoảng bủa đi tìm. Tôi hớt hải chạy đến chỗ loa thông báo thì anh Tùng gọi điện báo con bé đã về quán. Ôm chặt con bé một lúc tôi mới định thần lại nghe đầu đuôi, chị vợ anh Tùng đang đi mua sắm với mấy người bạn thì nhìn thấy con bé đi một mình lon ton tìm kiếm, chị đứng lại hỏi chuyện và đi tìm cùng con bé, sau đó lại đưa con bé về chỗ chúng tôi uống beer. Chị cứ tấm tắc khen con bé nhà tôi thông minh nhớ rõ địa điểm chúng tôi uống beer để đưa con bé trở về. Sau đó, chị và mấy người bạn ngồi lại uống beer cùng chúng tôi và sau đó anh Tùng làm quen, gần một năm sau thì anh chị tổ chức đám cưới. Con bé nhà tôi có thêm bố mẹ nuôi từ đó.

Hôm nay tôi quyết định về sớm để đưa con bé đi mua quà tặng các bạn khi tổ chức sinh nhật cho con bé ở lớp mẫu giáo. Hồng dắt con bé ra cổng trường để tôi đón.

– Con muốn mua quà gì cho các bạn?

Hai bố con đi dạo xung quanh khu thương mại.

– Các bạn nam thì mua ô tô, còn các bạn nữ mua thú nhồi bông được không bố?

– Chỉ mua hai loại thôi à?

– Vâng, để các bạn có quà giống nhau, các bạn ấy sẽ không giành của nhau.

Con bé rất có chủ kiến và có suy nghĩ độc lập, điều này tôi thực sự phải cảm ơn Hồng, cô luôn khuyến khích con bé tự đưa ra quyết định. Con bé chọn từng món quà một rất cẩn thận tại một cửa hàng đồ chơi, cả giấy gói và những cuộn dây buộc quà nhiều màu sắc.

– Pizza con nhé.

Tôi hỏi khi cùng con bé đi ra khỏi cửa hàng đồ chơi.

– Sao mình không về nhà nấu cơm hả bố?

– Hôm nay cô giáo dạy đàn của con đến để gặp con và chuẩn bị giáo trình học đàn.

– Vâng ạ. Sao cô giáo đến sớm thế ạ? Con tưởng tuần sau cô mới đến.

– Cô làm xong việc sớm hơn, nên cô đến dạy con sớm hơn.

Hôm nay trung tâm dạy nhạc vừa gọi điện thông báo cô giáo dạy nhạc về sớm hơn, nên muốn đến để gặp con bé trước.

– Vâng.

Con bé thái độ vui hơn hẳn, nhảy chân sáo chạy nhanh kéo tay tôi đến quán pizza.

Về đến nhà, vẫn còn khá sớm so với giờ hẹn với cô giáo dạy nhạc, hai bố con bèn mang đồ chơi ra gói lại thành từng món. Tôi cắt giấy thành từng tấm để con bé bọc các món đồ chơi, con bé dán khá gọn gàng tuy vẫn có chút xộc xệch, nhưng nó luôn muốn tự tay gói quà tặng cho các bạn.

Hai bố con mới gói được một phần nhỏ, thì có tiếng chuông cửa vang lên, chắc cô giáo đến.

Tôi ra mở cửa, trước cửa là một cô gái rất xinh khuôn mặt trái xoan trắng hồng, nhưng đôi mắt rất đẹp lại như có chút buồn âu sầu. Đầu tôi chợt nảy lên một cái, mắt giật giật, một cảm giác bất an dâng lên trong lòng không rõ nguyên nhân. Khuôn mặt cô ta làm tôi liên tưởng đến con gái tôi, một cảm giác quen thuộc.

Đẩy cửa để mời cô ta bước vào, mời cô ta ngồi xuống ghế ở phòng khách.

– Chị uống gì? Nước suối hay là nước ngọt?

– Cảm ơn anh. Cho tôi nước suối được rồi.

Đi ra phòng bếp tôi lấy một chai nước suối và một cái cốc thủy tinh trong tủ, vặn nắp để xuống trước mặt chị ta.

– Tôi tên là Minh Nguyệt, giáo viên dạy đàn của Trung tâm âm nhạc.

– Vâng, chào chị tôi là Hải. Cháu Minh Hạnh đang gói quà sinh nhật cho các bạn ở trong phòng. Để tôi gọi cháu ra.

– Anh cứ để cháu tiếp tục làm, tôi gặp cháu sau cũng được. Tôi muốn nói chuyện với phụ huynh trước và cũng có mấy thông tin cần anh điền.

Cô ta lấy từ trong cái túi xách ra một cái kẹp hồ sơ và một cây bút bi đưa cho tôi. Điền đủ các thông tin yêu cầu, tôi đưa cho cô ta. Chị ta nhận cái kẹp hồ sơ và hỏi tôi.

– Anh nói cháu nhạy cảm… với… âm… nhạc…

Càng nói cô ta càng run rẩy, khuôn mặt cũng trở lên tái nhợt.

– Chị không sao chứ?

– Vâng… vâng… tôi không sao.

Cô ta lắp bắp, nhưng vẻ mặt lại không cho thấy như vậy, mặt vẫn tái nhợt cả người run rẩy.

– Chị thực sự cảm thấy ổn chứ?

Tôi không chắc hỏi lại.

– Vâng… cháu… cháu… tên là… Minh… Hạnh?

– Vâng, đúng rồi, tên khai sinh của cháu.

– Cháu… sinh… ngày… xxyy… ạ?

– Vâng, đúng vậy.

Cô ta càng run rẩy dữ dội hơn, tôi có chút cảnh giác.

– Anh… đặt… tên… cho… cháu… ạ?

– Vâng, sao chị lại hỏi vậy?

Tôi nhìn chị ta, ánh mắt có chút bất thiện, thái độ của chị thực sự không ổn một chút nào.

– Chị thực sự ổn chứ? Nếu không để hôm khác chị đến cũng được.

– Không… tôi ổn.

Chị ta với lấy chai nước trên bàn, nhưng bàn tay run rẩy làm nước sánh ra chảy xuống cái áo bành tô dạ mà chị ta đang mặc. Phải khó khăn lắm cô ta mới có thể uống được, nhưng nước vẫn từ cổ chai tràn ra hai môi chị ta rơi xuống cái áo. Tôi với tay rút một tờ giấy ăn, cầm sẵn đưa ra chị ta.

– Xin lỗi anh. Tại… tôi có chút… xúc động.

Uống xong hớp nước, chị ta cũng trấn tĩnh lại một chút.

– Không sao, nhưng nếu chị không khỏe, không cần vội. Đến hôm khác cũng được.

– Không cần, tôi ổn rồi.

Tôi nhìn cô ta, không hiểu sao một cảm giác căm ghét tự nhiên nhen nhóm.

– Thế này đi, tôi nói thẳng. Biểu hiện của chị khiến tôi không an tâm. Và thực sự tôi lo cho con gái của tôi. Vậy đi, để hôm khác chị bình tĩnh lại thì nói chuyện sau hoặc nếu không, tôi sẽ báo trung tâm đổi người.

– Đừng…

Cô ta như bị chạm điện giật lên giật giọng một tiếng, sau đó như cảm thấy không đúng, cô ta hạ giọng một chút.

– Tôi có thể gặp cháu một lát được không?

– Không. Xin lỗi tôi không thể cho phép được.

Tôi đứng lên ý định mời cô ta đi về, đúng lúc đó con gái tôi lại từ trong phòng chạy ra, chắc tiếng chị hét lên làm con bé nghe thấy.

– Bố ơi!

Tiếng con bé vang lên làm chị ta giật mình cũng đứng dậy sau đó cả người bỗng bất động mắt trừng trừng nhìn con gái tôi chạy đến, con bé cũng khựng lại mặt ngơ ngác nhìn cô ta, sau đó chạy ào vào ôm lấy chân tôi dấu mặt vào bụng tôi.

– Con vào nhà gói quà tiếp nhé. Để bố nói chuyện với cô một lát.

– Cô giáo dạy nhạc ạ?

Con bé vẫn dấu mặt vào người tôi, hỏi vọng ra.

– Đúng rồi. Con vào phòng nhé, để bố nói chuyện với cô.

– Anh… để tôi nói chuyện… với cháu một lát được không.

Cô ta đã định thần lại, rụt rè lên tiếng. Tôi khó nghĩ, đang tìm câu hợp lý để từ chối, thì con bé rời đầu khỏi bụng tôi nhìn cô ta.

– Cháu chào cô. Cháu tên là Minh Hạnh ạ.

Con bé lễ phép chào. Cô ta nhoẻn một nụ cười.

– Cô… cô chào cháu. Cô tên là Minh Nguyệt. Cô rất vui được gặp cháu. Cô có thể nói chuyện với cháu một lát được không?

Con bé ngước lên nhìn tôi dò hỏi. Tôi thở dài, buông một câu không cam lòng.

– Thôi được.

Con bé rời người tôi ngồi xuống ghế, tôi và cô ta cũng ngồi xuống theo.

– Cháu rất thích đánh đàn à?

– Vâng, hay lắm cô ạ. Cháu nghe xong mà tiếng đàn cứ vang lên trong đầu cháu mãi.

– Cháu thích đàn từ khi nào?

– Cháu và bố cháu đi trung tâm thương mại, có một chú đánh đàn hay lắm, thế là cháu thích.

– Cháu có nhớ giai điệu chú ấy đánh gì không?

– Cháu nhớ một chút ạ.

Sau đó con bé lẩm nhẩm điệu nhạc mà nó vẫn hay lẩm nhẩm trên xe.

– Rất tốt, cô biết rồi.

– Bố cháu mua cho cháu đàn rồi đấy, rất đẹp. Đang ở trong phòng của cháu. Cô vào xem nhé.

Tự nhiên con bé lại nhiệt tình kéo tay cô ta đứng dậy. Cô ta nhìn tôi có chút như áy náy, tôi chỉ trừng mắt cô ta một cái, nhưng chẳng có tác dụng gì. Cô ta đứng dậy đi theo cái kéo tay của con gái tôi. Tôi cũng đành đi theo.

Con bé kéo cô ta đến cây đàn piano màu trắng mới mua đặt cạnh tấm vách kính nhìn ra balcon, tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh cái bàn học cũng màu trắng của con bé, nhìn con bé đưa ngón tay xinh xắn gõ từng phím đàn, Minh Nguyệt ngồi xuống chiếc ghế chỉ cách đặt ngón tay cho con bé.

– Cô đánh cho con nghe một bản nhạc nhé.

Sau một lúc líu ríu chỉ dẫn cho con bé, cô ta đề nghị. Con gái tôi gật đầu đồng ý ngay.

– Con ngồi xuống đây cạnh cô.

Cô ta vỗ chỗ ngồi bên cạnh để con bé ngồi lên. Sau đó những ngón tay dài thanh tú của cô ta đặt lên bàn phím và tiếp theo bản nhạc vang lên.

Những nốt nhạc réo rắt vang lên như những cơn gió xào xạc thổi qua cánh rừng, tiếng dòng suối róc rách, những chú hươu đang khoan thai gặp cỏ cũng nghếch cái đầu lên để lắng nghe tiếng xào xạc của gió, những bông hoa đủ màu múa may khoe những màu sắc rực rỡ của nó, trên trời nắng vàng rực rỡ, những chú bướm đang rập rờn bay lượn.

Bản nhạc không dài, tiếng đàn ngừng lại, nhưng hình ảnh hiện lên trong đầu tôi vẫn còn nấn ná một lúc mới tan hết. Con bé nhà tôi cũng bần thần một lúc mới mơ màng nói.

– Hay quá… Cô đánh đàn hay quá!

– Sau này con cũng sẽ đánh hay như vậy và hơn nữa. Con có muốn cô dạy cho con không?

– Vâng ạ. Con muốn.

– Vậy cô sẽ dạy con. Bây giờ con ở đây nhé, để cô nói chuyện riêng với bố một chút.

Cô ta đứng dậy đi đến chỗ tôi ngồi.

– Tôi có thể nói chuyện với anh một lát được không?

– Được.

Nhìn cô ta mấy giây, tôi đứng dậy nói.

– Tôi xin lỗi anh vì sự xúc động không đúng lúc nãy. Tôi muốn được dạy cháu. Cô bé có sự yêu thích đặc biệt và cảm thụ âm nhạc rất tốt.

Cô ta nói có chút năn nỉ, thành khẩn khi chúng tôi ra đến phòng khách.

– Tạm thời tôi đồng ý. Nhưng tôi có mấy yêu cầu, một trong các buổi cô dạy nhạc tôi sẽ luôn có mặt, nếu cô có hành động, lời nói không đúng mực làm ảnh hưởng, tác động đến tâm lý, hành vi của con bé cô sẽ không được tiếp tục dạy con bé nữa.

– Vâng, được ạ.

– Hai, cô không được tìm cách gặp riêng con gái tôi, bất cứ ở đâu mà không được tôi cho phép.

– Vâng, được ạ.

Cô ta bắt đầu dạy con bé nhà tôi ngay buổi hôm đó, sau đó lại cùng con bé gói hết đống quà sinh nhật rồi mới rời đi.

– Anh có thể tăng buổi dạy cho cháu được không?

Cô ta hỏi tôi, khi ra về.

– Cô muốn tăng lên mấy buổi?

– Ít nhất là hai buổi, tốt nhất là ba buổi.

– Được, mai tôi sẽ làm việc với trung tâm để tăng số buổi lên thành ba buổi.

– Không cần, không cần nói với trung tâm. Hai buổi kia tôi sẽ tự dạy, không liên quan đến trung tâm.

– Ý cô là tôi sẽ trả tiền riêng cho cô? Cũng được, không vấn đề gì.

– Không. Tôi sẽ dạy miễn phí, vì tôi cho rằng cháu thực sự có tài năng.

– À. Vậy được rồi, dù sao cũng là công sức của cô, tôi vẫn trả tiền cô như trả với trung tâm.

– Không cần thật mà. Tôi thực sự quý tài năng của cô bé.

Chương trước Chương tiếp
Loading...