Tiểu Quỳnh
Chương 48
NGOẠI TRUYỆN 6: NHÀ TIỂU VY.
Đang lục lại mớ tài liệu xây dựng để chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, thì từ trong đống sách rơi ra chiếc hộp nhỏ. À, hóa ra là mày. Chiếc hộp nhỏ tôi dùng để đựng những tấm ảnh gia đình. Những bức ảnh được chụp ở nhà, từ lúc còn bé đến khi vào đại học. Trước khi vào Sài Gòn học, tôi sao ra một bản sao album. Mẹ hỏi tôi mang theo để làm gì? Tôi nói “con mang theo để luôn nhớ về nhà, con sợ rằng cuộc sống chốn thị thành sẽ làm con quên hết những kỷ niệm đẹp đẽ nơi quê nhà”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười.
Ngồi xem lại những tấm ảnh đã hoen màu thời gian. Tôi chợt nhận ra một tấm, tôi và Tiểu Vy chụp ở nhà em ấy, Tiểu Vy nép bên tôi đôi tay nhỏ xíu bấu lấy vạt áo tôi. Cả hai cùng cười thật tươi.
Nhà Tiểu Vy bán tạp hóa như tôi đã kể với các bạn. Đó là một ngôi nhà hai tầng khá bề thế, phía trước nhà là hàng núi vật dụng lỉnh kỉnh và kẹo bánh. Vâng kẹo bánh và cả kem nữa, lần nào xin được tiền mẹ, tôi lại lò dò qua nhà Tiểu Vy để mua kem. Những khi ấy tôi thường xin Tiểu Vy cho mình mấy viên kẹo. Nhưng Tiểu Vy không cho.
– Không được, đây là kẹo của mẹ, mẹ nói “không được lấy đồ người khác”, khi nào mẹ cho em, em sẽ cho anh.
– Ừa… – tôi cụt hứng.
Nhà Tiểu Vy có nuôi một con cún và một con mèo con. Tới đây, nếu bạn đủ kiên nhẫn và tỉnh táo thì hãy đọc tiếp nhé. Vì con cún Tiểu Vy đặt tên nó là “mèo con” còn con mèo em ấy đặt tên là “cún con”. Lý do vì sao thì tôi chẳng hiểu đầu đuôi, Tiểu Vy chỉ nói là nó hay hay. Nhưng hay chỗ nào thì tôi chẳng thấy, chỉ thấy là phát điên lên thôi.
Hai con “cún con” tức là con mèo và “mèo con” tức là con cún, lâu ngày được Tiểu Vy kêu quen, thành ra mỗi khi em ấy gọi “mèo con” là y chóc con cún chạy đến, khi gọi “cún con” thì con mèo kêu ‘miao’ mò đến. Nhưng chúng nó vốn ghét nhau, mèo với chó mà, thế nên không bao giờ bạn có thể gọi “mèo con” mà cả hai cùng đến, tương tự như vậy với “cún con”, thậm chí nếu bạn có gọi cả “mèo con” rồi gọi tiếp “cún con” thì chúng cũng không dám đến chân bạn, vì hễ thấy nhau là chúng lại chí chéo rượt nhau đi chỗ khác.
Có lần tôi đang ăn cái bánh quy mẹ Tiểu Vy cho, vừa bỏ miếng bánh xuống thì con “cún con” chạy lại tha đi mất, điên tiết tôi kêu nó lại định phát cho một cái “mèo con ơi, lại đây với anh nào” thì con “cún con” không những không lại mà còn chạy mất biến, thay vào đó là con “mèo con” chạy đến ngheo ngẩy cái đuôi và thè lưỡi ra như chực chờ được cho ăn. Tôi đâm mủi lòng định lấy miếng bánh cho nó “ngoan, lại đây nào cún con” thì con “cún con” từ trong nhà chạy ra kêu ‘meo’ trông nó rất vui vẻ vì vừa ăn xong miếng bánh, còn con “mèo con” lại chạy mất biến. Tôi tức đến điên máu, chỉ còn cách ngồi xuống nền nhà mà thở dài thường thợt.
Phía sau nhà Tiểu Vy có một cái hòn non bộ, Tiểu Vy thích nó lắm, em ấy nói thích nhất mấy con cá vàng, trông như nàng tiên cá. Tôi cũng khoái chí tử. Hôm nào đến chơi, tôi và Tiểu Vy lại ra ngồi cạnh hồ cá đó, ngắm những con cá tung tăng cả buổi trời mà không biết chán. Tôi còn thích ngắm những khối đá làm bằng san hô nữa, những ông lão câu cá, con trâu, con cò, những cái chòi. Tôi thường tưởng tượng mình đang ở chốn bồng lai, có thể bay trên mây giống như “tề thiên đại thánh” vậy thích vô cùng. Nhưng có một điều tôi nhớ mãi ở nhà Tiểu Vy.
Tôi vốn cứng đầu, chẳng sợ cái chi. Chỉ khi lớn rồi tôi mới sợ nước mắt con gái thôi, chứ hồi còn bé thì tôi sợ cái khác: Roi mây của ba tôi và con ngỗng nhà Tiểu Vy. Gần hòn non bộ có một cái chuồng ngỗng. Trong chuồng có một con ngỗng rất to. Lúc đầu tôi không biết nó là ngỗng, vì chưa gặp bao giờ, tôi đinh ninh đó là một vịt to xác.
– Ê, nhà mày có con vịt to chưa kìa!
– Không, mẹ bảo đó là con ngỗng, mẹ không cho lại gần nó – Tiểu Vy hướng đôi mắt long lanh về phía chuồng ngỗng.
– Mày nhác quá, con vịt thôi mà cũng sợ, tao còn đi lùa giúp ông Hai Thọ mấy trăm con vịt kìa – nói rồi tôi đi lại phía chuồng ngỗng, quơ quơ cái tay định đuổi nó.
Nhưng tôi đâu có ngờ “con vịt lớn xác” này nó chẳng sợ tôi, nó còn chìa cái cổ dài về phía tôi, kêu “cạp cạp” rồi thình lình lao về phía tôi, tôi bất ngờ quá chạy lại không kịp bị nó táp ngay vô mông, đau thấy ông bà luôn, tôi phải lấy cái tay đập ngay vào mặt nó, nó mới chịu nhả ra. Nhưng vẫn chưa buôn tha, nó chẳng lấy gì là sợ sau bị ăn đòn, nó rượt tôi và Tiểu Vy chạy té khói, chúng tôi sợ quá chạy thẳng lên sân thượng nhà Tiểu Vy, thở hổn hển, mặt cắt không còn giọt máu. Thật là khi viết đến dòng này, tôi vẫn còn hơi sợ con ngỗng ấy.
Vâng nhà Tiểu Vy có cái sân thượng, tôi đã phát hiện ra. Tôi thấy lạ lắm vì chưa bao giờ thấy một cái sân lại ở trên mái nhả cả. Những ngôi nhà trong thôn đều lợp ngói cả, chỉ có nhà Tiểu Vy có cái sân thượng, một cái sân thật là đặt biệt với tôi hồi đó.
Dịp trung thu nào, sau khi đi chơi, rướt đèn cùng mấy đứa trong xóm xong thì tôi thường về nhà, nằm ngửa ra sân ngắm trăng sao đủ kiểu. Nhưng vào trung thu đầu tiên khi tôi biết nhà Tiểu Vy có cái sân thượng, tôi không thích nằm trên sân nhà mình nữa, tôi qua nhà Tiểu Vy, rủ nó lên sân thượng ngắm trăng sao. Hai đứa nằm ngửa mặt lên trời, đầu đứa này tựa vào đầu đứa kia. Tôi chỉ cho Tiểu Vy những ngôi sao mà tôi biết, nhưng tôi chỉ biết mỗi sao “Bắc Đẩu” mà có lần chú 9 chỉ tôi xem, còn Tiểu Vy biết cả chòm ‘Orion’ gì đó, lần đầu tiên tôi thấy Tiểu Vy hiểu biết hơn mình, em ấy cầm lấy tay tôi vẽ lên nền trời những đường kẻ vô hình để nối những ngôi sao trong chòm ‘orion’ lại, sau khi nối xong tôi tự nhiên cảm thây vui sướng vô cùng. Sau này, mỗi khi đi đâu xa, tôi thường ngắm chòm ‘orion’ và tự hỏi “Tiểu Vy giờ này có đang ngắm giống mình”. Hết ngắm sao, chúng tôi chuyển sang tranh giành những ngôi sao, Tiểu Vy luôn giành cho em ấy những ngôi sao to nhất, đôi lúc tôi cũng tìm được vài ngôi, nhưng nghe em ấy năn nỉ xin xỏ tôi đành mủi lòng mà cho em ấy hết. “Ừ, anh cho em hết Tiểu Vy à”. Rồi bất chợt một ngôi sao băng lướt qua, Tiểu Vy bảo tôi.
– Anh nhắm mắt lại đi.
– Chi vậy mày?
– Cầu nguyện!
– Là… – tôi chưa nói hết câu “là sao?” Thì đã thấy Tiểu Vy ngắm nghiền mắt lại và im lăng.
Tôi cũng ngắm mắt lại giống em ấy, nhưng rồi ti hí lén nhìn em ấy có đang nhìn mình không, nhưng em vẫn nhắm mắt. Khi lớn rồi, tôi vẫn hay hỏi Tiểu Vy là “em cầu nguyên điều gì” vậy?, Em ấy chỉ nói “em cầu nguyện cho anh” và tôi không hỏi gì thêm, tôi không hỏi “là sao?” Nữa.
Bỏ những tấm ảnh ngay ngắn vào hộp, tôi để chiếc hộp ở một vị trí dễ nhận thấy nhất. Từ giờ tôi sẽ phải gọi Tiểu Vy là Phương Vy.