Vào nhầm xóm trọ
Chương 53
Sau mười tám tháng đi du lịch nó cũng được về với xã hội, không biết còn ai nhớ đến sự tồn tại của nó không nhỉ. Những tháng ngày được tiếp xúc với nền văn minh thời kỳ cổ đại làm nó trở nên già dặn trưởng thành hơn. Chào tạm biệt những du khách sống cùng năm tháng trong chuyến đi đáng quên ấy, nó bước ra ngoài.
Sau khi được những hướng dẫn viên du lịch mặc đồng phục xanh phát quần áo mới, trả lại một số thứ của nó và đưa nó một phần mười số tiền gia đình nó gửi thì cuối cùng nó cũng được hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng ánh mặt trời thỏa thích. Một cảm giác không thể diễn tả bằng lời, một sự tự do, một khởi đầu mới hay chính xác hơn là bắt đầu một cuộc sống mới.
Lần gần nhất nó nói chuyện với mẹ thì nó đã căn dặn không cần ai đi đón, nó sẽ tự về nhà. Nó có phải đi du học, đi công tác nước ngoài hay đỗ đạt gì đâu mà phải người đón rước. Chẳng vẻ vang, vinh dự gì cả, nó muốn lặng lẽ về nhà, muốn tự mình đi thăm những người quan trọng với cuộc đời nó. Trong thời gian ở trại, nó không hề xăm hình, không gắn bi… không làm những thứ giống như anh em trong ấy thường làm. Với nó việc hòa nhập cộng đồng, quên đi quá khứ là điều thực sự quan trọng.
Bắt xe ôm rồi bắt tiếp xe khách, nó từ trại giam đi thẳng đến quê của Ngọc, nó biết cô và con gái vẫn ở nhà của cô. Mẹ nó nói cô có một vài người để ý nhưng cô nhất định chờ nó về, cô giữ một lòng chung thủy sắc son với nó. Thật sự nó thương cô vô cùng, cô đã hy sinh vì nó quá nhiều, nó không mong muốn thêm gì từ cô, dù cô lấy người khác nó cũng cầu chúc cho cô được hạnh phúc. Biết là chẳng có tư cách gì, nhưng nó vẫn muốn thăm con gái của nó, đứa con chưa một lần nó thấy mặt. Sau hành trình nhiều giờ trên xe cuối cùng nó cũng tới gần nhà Ngọc.
Một thằng gầy trơ xương, mặt mũi hốc hác, người thì không được thơm tho sạch sẽ gì vì thế nó sẽ không trực tiếp gặp Ngọc, nó sợ cảnh gia đình Ngọc đánh giá nó, coi thường nó. Nó dừng lại ở một cửa hàng mua cái khẩu trang và chiếc mũ lưỡi trai rẻ tiền rồi đi bộ về phía khu vực nhà Ngọc. Tới đầu đường lớn chuẩn bị rẽ vào đường nhà Ngọc thì nó thấy trước mặt có một người rất quen đang chơi đùa với một bé gái. Nó dừng lại quan sát từ xa khi nhận ra đó chính là mẹ Ngọc.
Vậy đứa bé gái kia chắc chắn là con của nó rồi, ôi nó muốn chạy thật nhanh lại để ôm đứa bé quá, chợt nghĩ nếu vậy người ta tưởng mình bắt cóc trẻ con thì bỏ bu. Mà từ từ đã, kia là ai? Một người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi, sơ mi đóng thùng rất lịch sự, anh ta đang chơi đùa với đứa bé mà khả năng cao là con gái nó. Anh ta rất thân thiết với đứa bé, bế nó, gọi nó cười đùa với nó và nói chuyện với mẹ Ngọc. Một cảm giác không thể diễn tả bằng lời. Đó phải là vị trí của nó, phải là nó chứ, nó đang nghĩ gì thế này.
Tự vỗ vào mặt cho tỉnh táo nó nhận ra mình có là gì đâu, thử lại gần một chút nữa nó thấy anh kia tuy không đẹp trai, nhưng anh ta trông trí thức, lịch sự hơn hẳn nó. Nó nhìn lại mình, có gì mà đòi so sánh với người ta. Phải chăng đó là người đàn ông mẹ nó từng nhắc tới. Nếu vậy nó phải mừng cho Ngọc chứ, tại sao nó lại có cảm giác mất mát lớn thế này, nó đau tới tim phổi, đau như cắt từng khúc ruột.
Chợt xuất hiện là một hình bóng quen thuộc mà nó vẫn thường nhung nhớ, chính là Ngọc, người con gái đã vì nó mà hy sinh rất nhiều. Ngọc ra ngoài chơi với đứa bé gái, nó thấy cô còn nói chuyện gì đó với chàng trai kia, có vẻ hai người khá thân thiết với nhau. Nó không thể đứng nhìn cảnh tượng ấy thêm được nữa, nó quay đi và tăng tốc độ dần, rồi nó chạy như điên như dại vậy.
– A… A… A… – Nó hét lên khi ra tới chỗ vắng người.
Rút điếu thuốc lá nhàu nhĩ ra khỏi túi áo nó châm lửa hút. Nó rít liên tục từng hơi thuốc dài cho tới khi tàn lửa tới đầu lọc và rụng xuống nó mới biết rằng đã hút hết. Nó đi bộ ra đường lớn rồi bắt xe về quê, trên xe nó mượn điện thoại rồi gọi cho thằng Hưng, may mà thằng này chưa thay số khác.
– Alô Hưng à?
– Ai đấy?
– Tao Văn đây.
– Mày là thằng chó nào dám lừa bố, bố đập chết mẹ mày bây giờ.
– Địt cụ mày, tao Văn, vừa mới ra tù, 3 tiếng nữa đón tao ở ngã tư chợ nhé, tao mượn điện thoại không có điện thoại gọi đâu. Cúp máy đây.
– Ờ ờ được rồi…
Tút tút tút… Nó phải cúp điện thoại dù thằng Hưng chưa kịp nói hết câu vì còn trả cho người ta.
Ngồi trên xe khách cả ngày ê ẩm hết người, trời tối nó mới về tới quê hương, mảnh đất lưu giữ bao kỷ niệm. Nó ước ao được trở về quá khứ, về thời trẻ con đi mò cua bắt ốc, tắm sông, trộm hoa quả… cùng đám bạn nối khố. Bước xuống xe nó thấy thằng Hưng dựng sẵn xe máy chờ nó rồi. Nó vẫn đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai vì không muốn người quen nhìn thấy.
– Ăn gì chưa? – Nó lại gần thằng Hưng hỏi.
– Giật cả mình, mày bỏ cái khẩu trang ra đi, tao sợ mày phải chờ nên ra đón sớm đã kịp ăn cơm đéo đâu.
– Ờ, thế vào quán Tư béo ăn uống tí đã.
– Ok, lên xe đi.
Nó leo lên xe, thằng Hưng vào số rồi phóng đi, thằng này vẫn đi xe ẩu như ngày nào. Hai thằng vào quán Vịt gọi một số đồ ăn và chai rượu ra uống. Lúc này nó mới bỏ mũ với khẩu trang ra.
– Trông mày hốc hác nhìn kinh quá, nghiện chưa đấy. – Thằng Hưng nói khi nhìn rõ nó.
– Chưa, mày thử vào đó sống xem sao, có khi đéo còn xác mà về. Thôi ăn đi, cả ngày vạ vật kịp ăn uống gì đâu, nói chuyện sau.
– Ờ ờ.
Nó ăn như lợn bởi vì đồ ăn quá ngon và nó quá đói. Bữa ăn đầu tiên khi được trở về với xã hội. Ăn uống đã khá no rồi nó mới bắt đầu nói chuyện với thằng Hưng.
– Tình hình ở nhà thế nào?
– Ờ thì… – Thằng Hưng kể tóm tắt những thứ nổi bật cho nó nghe.
– Vậy có tiền ném tao ít để tiêu, mới mai qua chở tao ra xã làm mấy cái thủ tục. – Nó nói.
– Ừ, giờ mày về thì tao có thêm cạ làm ăn rồi. Thế bao giờ cưới cái Ngọc, rồi đón mẹ con nó về.
– Cái ấy tính sau, giờ đói nhăn răng tiền đâu mà lo nhiều được. Thôi về nhà đi, cũng muộn rồi, tao còn tắm rửa nữa, người bẩn quá.
– Ok, chủ quán ơi thanh toán. – Thằng Hưng gọi chủ quán.
Xong xuôi thằng Hưng đèo nó về nhà, thả nó xuống đầu ngõ nhà nó rồi thằng Hưng phóng xe đi. Nó đi về nhà, mở cổng bước vào, con chó nhà nó không nhận ra nó kéo căng xích chạy ra sủa inh ỏi.
– Ai đấy. – Tiếng mẹ nó.
– Con đây, con mới được về. – Nó ngồi vật xuống nền nhà.
– Văn à, sao về giờ này vậy con. Ăn uống gì chưa? Để mẹ điện cho bố con về.
– Thôi mẹ ạ, con ăn rồi, giờ đi tắm rồi nghỉ, mai cả nhà nói chuyện sau cũng được mà.
– Con gầy gò xanh xao quá, để mẹ lấy quần áo. Con lấy nước nóng ở phích ra mà tắm không lạnh. – Mẹ nó nói rồi đi chuẩn bị quần áo cho nó.
Nó vào nhà tắm rửa mặt mũi chân tay trước. Nước được dùng thoải mái như thế này là quá tuyệt vời với nó rồi, đâu cần phải nước ấm chứ. Nó lấy quần áo từ tay mẹ rồi tắm gội thỏa thích, xong xuôi nó cạo râu sạch sẽ, mai đi cắt tóc nữa là ổn. Nó nói chuyện với mẹ nó một lúc rồi đi ngủ, cả ngày với nó mệt mỏi lắm rồi. Bố nó chắc bận đi lấy hàng chưa về, nó cũng không muốn gặp ông giờ này, vì nó biết ông sẽ lại giáo huấn nó rất lâu.
Sáng hôm sau dậy ngồi ăn sáng cùng cả nhà, nó được nghe bố nó nói rất nhiều. Nó chỉ ngồi im lắng nghe mà thôi, nó là người mắc lỗi, đâu có tư cách gì lên tiếng.
– Tao nói từ nãy chắc mày cũng hiểu rồi, còn việc cuối cùng là việc của mày với cái Ngọc. Nếu hai đứa vẫn về ở với nhau thì tao sẽ đứng ra tổ chức đám cưới. Còn những khoản nợ của mày thì mày phải tự lo, bố mẹ không trả cho mày một đồng nào hết. Lấy vợ rồi thì tự mà ra ở riêng, rồi tự mà lo cho nhau…
– Vâng con hiểu ạ.
– Nếu cái Ngọc và gia đình nó không chấp nhận mày, thì là do lỗi của mày, mày tự mà lo chuyện ấy. Bố mẹ đã hết sức lực rồi, giờ không thể làm gì hơn được nữa.
– Vâng, cái đó con biết.
– Mày xem lại bản thân mình đi, bố mẹ đầu tư bao nhiêu tiền cho mày? Trả nợ bao nhiêu tiền cho mày? Mày phá của cái nhà này quá nhiều rồi, tao đã không còn hy vọng gì ở mày, giờ mày tự mà chịu trách nhiệm về bản thân mình, tự lo cho cuộc sống của mình. Tao đã tuyên bố với mọi người, mày không có liên quan gì đến kinh tế gia đình này nữa, tất cả ai cho mày vay mượn thì tự tìm mày mà đòi. Tới đòi tao, tao còn chửi cho thêm…
Cuộc nói chuyện còn rất dài, nhưng tóm tắt lại là nó từ giờ sẽ phải tự lập về kinh tế, tự trả những khoản nợ do nó gây ra, và nếu lấy vợ thì phải ra ở riêng chứ không được ở cùng bố mẹ nó. Bố mẹ nó sẽ không giúp đỡ bất cứ thứ gì, cũng như trả bất cứ khoản tiền gì cho nó nữa. Coi như nó chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu, không có dính dáng gì tới gia đình. Xem ra nó phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy thử thách, khó khăn ở phía trước mà lại không có Ngọc bên cạnh.