Yêu trẻ con - Quyển 1
Chương 10
Buổi trưa thứ Hai, Đan Chi gọi tôi qua ăn cơm. Vẫn chiếc quần cọc ấy với cặp giò mét mốt ấy, Đan Chi tươi cười đưa cho tôi rổ rau và ra lệnh ngồi nhặt. Trong góc bếp tối om, một chàng trai 27 tuổi không gia đình căm phẫn ngồi nhặt rau với hai hàng nước mắt rơi lã chã xuống nền nhà. Anh không biết mình phải sống trong cảnh áp bức này bao lâu nữa. Lửa trong lòng anh đang đốt cháy dữ dội. Phải thay đổi. Anh nghiến chặt răng và âm mưu một kế hoạch trả thù.
Chết mọe, chép lộn đoạn cải lương trong phim. Chứ thực ra lúc đó tôi ngồi nhặt rau ngoan lắm. Chỉ cần hó hé phản đối một chút thôi là Đan Chi nó nhét nguyên cái tạp dề vào mồm liền.
Bữa cơm hôm đó chẳng có nhiều chuyện để nói. Tôi với Đan Chi gặp nhau cả ngày rồi, chuyện đâu ra cho lắm mà kể. Cả hai lặng lẽ ngồi ăn cơm một lúc, rồi như sực nhớ ra điều gì đó, tôi hỏi nhỏ:
– Hôm qua ai chở con bé Linh về thế?
– Em chở. – Nhỏ trả lời.
– Uhm.
Đan Chi dừng đũa, nghiêng mặt nhìn tôi thắc mắc:
– Hôm qua anh la nó à?
– Anh có la gì đâu – Tôi giật mình – Con nhỏ bảo thế à?
– Không có, tại em thấy cả buổi nó cứ buồn buồn.
Tôi định kể cho Đan Chi nghe câu chuyện nhỏ Linh nhờ tôi chở về và tôi từ chối, nhưng nghĩ lại chuyện cũng chẳng to tát gì, và còn dễ gây ra hiểu lầm này nọ, nên thôi.
– Con bé đáng yêu ghê anh ha. – Đan Chi nói vu vơ.
– Ai? – Tôi hỏi.
– Bé Linh chứ ai nữa. Xinh xắn, nhẹ nhàng và còn rất ngoan nữa.
– Uhm.
– Lớp mình từ trước đến giờ có đứa nào như nó đâu. Hình như thằng Thụy Phong thích nó đấy.
– Uhm.
Nghe Đan Chi kể, tự nhiên tôi thấy có gì đó hơi day dứt. Tự nhiên thấy lòng dợn lên cảm giác có lỗi. Tự nhiên thở dài.
Bữa cơm xong đâu đấy, tôi thả mình xuống chiếc võng bên cây xoài, định bụng đánh một giấc ngủ ngắn để chiều đi dạy tiếp. Đan Chi dọn dẹp xong xuôi cũng ra phòng khách ngồi xem phim. Tôi nói vọng vào:
– Chút 1h30 gọi anh dậy nghen nhỏ.
– Vâng.
Đang thiu thiu ngủ thì một tiếng sột soạt ngoài bờ tường làm tôi tỉnh giấc. Mở mắt nhìn quanh chẳng thấy gì, miệng lầm bầm rủa con gà trống ôn dịch nào giờ này còn đi đạp mái kiếm giống rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Chưa kịp lại giấc thì tiếng sột soạt lại vang lên. Tôi bực mình xách đôi dép ra phía bờ tường, nghĩ bụng chiều nay sẽ có cặp gà cho Đan Chi làm tiết canh, nhưng không, chả có con gà nào ở đó cả. Thay vào đó, tôi giật thót khi thấy một thằng cu đang lúi húi ở bên bờ tường (tôi gọi thằng cu vì trông nó cũng chẳng to con hơn tôi là mấy, solo thì cũng một chín một mười). Thằng cu giật bắn cả mình khi thấy tôi. Và như cái cách mà bọn trộm vẫn thường làm khi bị phát hiện, nó co giò bỏ chạy một mạch. Tôi nhảy qua bờ tường tính đuổi theo nhưng thằng cu đã mất hút sau bụi cây từ bao giờ.
Bước vào nhà, Đan Chi nhìn tôi ngơ ngác hỏi:
– Vừa mới có chuyện gì vậy anh?
– Nãy có một thằng trộm nó rình mò ngoài nhà em đấy. – Tôi phủi tay nói.
– Trộm á?
– Uhm, nhìn khả nghi lắm.
– Nó đâu rồi?
– Thấy anh nó chạy rồi.
Đan Chi đi ra ngoài ngó nghiêng một lúc rồi đi vào. Tôi ái ngại hỏi nhỏ:
– Em ở một mình thế này không thấy sợ à?
Nhỏ nhún vai nhìn tôi trả lời tỉnh bơ:
– Sợ á? Không.
– Lỡ trộm nó tới như lúc nãy thì sao?
– Em sẽ tẩn cho nó một trận – Nhỏ dứ dứ nắm đấm trước mặt ra chiều tự tin lắm.
– Thôi đi cô, dù sao cô cũng chỉ là con gái thôi. Có nhiều chuyện con gái dù mạnh mẽ đến mấy cũng không tự mình giải quyết được đâu.
– Haizz. Em biết. Nhưng mà em quen rồi.
– Nhà còn phòng trống đầy ra đấy sao không cho thuê. Vừa kiếm thêm tiền, vừa có người ở chung cho an toàn?
– Hồi trước em cũng cho mấy bạn sinh viên thuê đấy chứ – Nhỏ thở dài – Nhưng mấy bạn ấy ăn ở lôi thôi quá, không hợp tính nên em đuổi hết rồi.
Tôi nhìn quanh, mặc dù ở đây không phải đồng không mông quạnh gì nhưng người hàng xóm gần nhất cũng cách nhà nhỏ cả trăm mét, có chuyện gì gọi sao kịp. Thằng trộm kia nó tới một lần, thì nó sẽ còn tới lần hai. Một thằng trộm tới được thì sẽ có nhiều thằng trộm khác cũng tới. Con gái ở một mình tất nhiên là không an toàn rồi, lại là một đứa con gái xinh đẹp nữa thì lại không an toàn gấp bội. Tôi cảm thấy hơi lo lo cho con nhỏ.
– Hay là… anh qua ở với em nha. Em không bắt anh nhặt rau đâu. Hihi
Đan Chi nháy mắt nhìn tôi đầy tinh nghịch. Tôi biết nhỏ chỉ đùa thôi nhưng vẫn đỏ mặt:
– Điên à!
Tuần sau là vào giải rồi nên đội bóng tập luyện khẩn trương lắm. Tôi không cho tụi nó chia team đá nữa bắt tập mấy bài chiến thuật cơ bản. Chống ban bật, tổ chức đá phạt, 5 đánh 4 (tận dụng thủ môn), 1 kèm 1 và một vài chiến thuật di chuyển nữa mà hồi đá cho đội tuyển khoa được mấy thầy chỉ. Thực ra giải lần này có cái mọe gì lớn lao đâu, hốt vài thằng làm thành một đội đá đấm loẹt quẹt cho vui cũng được. Nhưng tôi không muốn điều đó. Tôi muốn tập cho tụi học trò thói quen làm việc và học tập nghiêm túc, có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng dù đó là việc gì. Không tham gia thì thôi, chứ đã tham gia là phải đặt mục tiêu chiến thắng, không cọ xát, cọ xiếc gì hết á. Không phải hiếu thắng mà là cầu tiến, phải luôn muốn mình là người dẫn đầu mới xoay chuyển càn khôn được, như Ronaldo ấy (tôi fan Messi). Chứ cái kiểu bóng đá Việt Nam chưa đá đã xác định “cọ xát, học hỏi là chính”, rồi thì “thua trên thế thắng” nên mãi chả qua nổi cái ao làng.
– Đm, thằng tác giả chém gió nhiều vl, tao gọi hội tao đánh chết beep mày bây giờ – Thằng Jvevermind ở đâu tự nhiên nhảy bổ vào sân gào lên. Bố thằng điên.
Tụi con trai cứ tập đi tập lại mấy bài chiến thuật mãi nên đâm ra chán. Tụi nó nhăn mặt:
– Cho đá team đi anh ơi. Tập mấy cái này vào thực chiến có áp dụng được đâu.
Nghe thế tôi gắt:
– Thằng nào nói không áp dụng được? Đá đấm mà cứ chạy hùng hục như con trâu thì cần đéo gì dùng người, mua trâu về đá mẹ cho rồi.
– Mà anh có biết đá banh hem mà chỉ tụi em đồ. – Thằng Thụy Phong nhìn tôi nghi ngại.
Đù, câu hỏi hay. Nhưng mày hỏi nhầm người rồi con ạ. Cả cuộc đời này anh mày chỉ giỏi mỗi 2 thứ: vẽ và đá bóng. Không lẽ giờ anh mày khoe từng đá cho tuyển trường, tuyển khoa? Nói mồm tụi nó đéo tin đâu, phải cho tụi nó lác mắt mới được.
– Tốt – Tôi giơ ngón cái lên – Phải có tư duy phản biện như thế. Đưa trái banh đây.
Thằng Nam Nhỏ ném cho tôi trái banh. Tôi làm một động tác khống chế gọn gàng rồi thực hiện vài pha tâng bóng biểu diễn. Tụi nhỏ lác mắt tập 1. Xong đâu đấy, tôi gọi thằng Hùng ra, bảo nó thử lấy bóng trong chân tôi đi. Thằng Hùng lao vào, tôi hất nhẹ quả bóng qua háng nó, làm một pha xâu kim hoàn hảo. Nó lao vào lần nữa, tôi đảo chân liếng thoắng, phút chốc đã bỏ thằng Hùng lại phía sau. Tụi nhỏ lác mắt tập 2.
– Kinh, kinh vl.
Bọn con trai vỗ tay rào rào, bao nhiêu lời ong bướm đổ xuống như mưa. Tôi dừng bóng cái kịch giữa sân, làm một động tác vuốt tóc kul ngầu rồi chỉ tay lên trời nói:
– Tụi mày còn phải cố gắng nhiều.
Đậu xanh. Quả đấy oai vl.
Sau màn phô diễn tài năng bất đắc dĩ ấy, tôi trở thành idol mới trong mắt bọn con trai, nói gì bọn nó cũng nghe răm rắp. Tụi nó bắt đầu ý thức được việc tập luyện nghiêm túc và xem chừng đã có dáng dấp của một đội bóng hơn là một đám người biết chơi bóng rồi đấy.
Mãi lo chuyện banh bóng, tôi không để ý rằng con nhỏ Băng Linh đã hai hôm không đi học. Chỉ đến khi thằng Thụy Phong hỏi tôi vào hôm thứ Sáu tôi mới kịp nhận ra.
– Ơ, bạn gái của mày sao mày lại hỏi anh?
Tôi trêu thằng Thụy Phong rồi đứng cười giả lả. Giờ cả lớp ai cũng biết thằng Thụy Phong thích con nhỏ Băng Linh, mặc dù hình như là nhỏ Linh chưa biết gì. Thằng Thụy Phong đỏ mặt giãy nảy lên:
– Lại tung tin đồn bậy bạ nhen. Mà sao học trò nghỉ mà thầy giáo cũng không biết?
Nó hỏi làm tôi chột dạ. Cũng đúng nhỉ, mang tiếng làm thầy mà học trò nghỉ cũng chả biết. Thực ra mấy hôm nay tôi giao lớp hoàn toàn cho Đan Chi, để tập bóng cho tụi con trai và làm vài việc riêng, thỉnh thoảng chỉ đến lớp vào buổi sáng nên có đứa nào ở lớp buổi chiều nghỉ tôi cũng không rõ lắm. Tôi sợ con nhỏ nó giận tôi từ hôm Chủ nhật, cảm thấy cần nói chuyện nên tối đó tôi online nick facebook, tìm đến cái nick của nhỏ và để lại một nhắn tin:
– Sao mấy hôm nay không thấy đi học?
Nhắn xong tôi off nick vì tối nay có hẹn với mấy đứa bạn. Lúc về phòng cũng hơn 10h tối. Mở lại nick facebook vẫn chẳng thấy con nhỏ nhắn lại. Chắc nhỏ giận tôi thật. Đang định đi ngủ thì nghe tiếng tin nhắn tới, tôi bật dậy.
– Hì, con nè.
Nhỏ Linh chào bằng một câu gọn lỏn. Tôi bất giác cười. Bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu nhưng rốt cuộc chỉ trả lời cụt ngủn:
– Uhm.
– Con xin lỗi chú – Nhỏ nói tiếp.
– Sao lại xin lỗi?
– Vì mấy hôm nay con nghỉ học mà không báo.
Hóa ra là con nhỏ không giận tôi. Dạy vẽ 3 năm nay, chẳng nhớ nổi có bao nhiêu đứa học trò đến rồi đi không một lời từ biệt. Tôi đã quá quen với điều đó đến nỗi, khi nghe con nhỏ nói xin lỗi vào lúc này, một thứ cảm giác gì đó gần như là vui sướng chạy râm ran trên từng thớ thịt. Con nhỏ ngoan quá, tôi chẳng có lý do gì để trách nhỏ cả.
– Uhm, không sao. Mà sao nghỉ học mấy hôm vậy? Bị ốm à.
Nhỏ Linh không trả lời, thay vào đó nhỏ hỏi một câu khác:
– Con gọi video call cho chú được không?
– Uhm, được chứ.
Con nhỏ gọi, tôi bất nút trả lời. Gương mặt của nhỏ hiện lên trên màn hình laptop. Nhỏ cười chào tôi với cái lúm hạt gạo xinh xắn quen thuộc. Nhưng dù đã cố che giấu đi, tôi vẫn nhận ra nhỏ vừa khóc, hình như là khóc rất nhiều. Đôi mắt ươn ướt và đỏ hoe nhỏ cố giấu đằng sau vẻ mặt tươi tỉnh, nhưng để trở thành một diễn viên xuất chúng, nhỏ còn phải cố gắng nhiều.
– Con nè.
Nhỏ chào với những tiếng sụt sùi ngắt quãng. Tôi làm bộ như không biết con nhỏ khóc, để nhỏ có thể tự nhiên nói chuyện.
– Uhm, biết rồi. Không phải con chứ không lẽ là ma à.
– Chú chưa ngủ à?
– Uhm, chưa ngủ. Hổng lẽ ngủ rồi mà còn nói chuyện được à.
Con nhỏ cười, lần này là cười thật. Tôi ngồi im đợi con nhỏ nói tiếp. Nhỏ khẽ lấy tờ khăn giấy lau khô những giọt nước mắt còn sót lại rồi thút thít nói:
– Chắc là… con không học vẽ được nữa rồi.
Câu nói của nhỏ làm tôi hơi bất ngờ, tôi hỏi lại:
– Sao lại không học nữa?
Nhỏ vẫn tiếp tục thút thít, giọng nói phát ra đứt quãng:
– Bố mẹ… không cho con học vẽ nữa.
Tôi ngồi im lặng một lúc chẳng biết nói gì. Vậy là hai hôm vừa rồi nhỏ không đi học là do bố mẹ nhỏ không cho phép. Có một chút xót xa dợn lên trong lòng. Đôi khi tôi có cảm giác cái nghề của tôi như kiểu “xướng ca vô loại”, người ta chỉ nghĩ học vẽ để cho vui, rảnh thì học, không rảnh thì thôi, nghĩ như kiểu giới nghệ sĩ mua vui cho thiên hạ.
– Vậy… đó là lý do nhóc khóc hả? – Tôi hỏi.
Nhỏ cười cười đưa tay dụi mắt, nói:
– Một phần ạ. Mà quan trọng hơn… con cảm thấy cuộc đời của mình như đã được người khác quyết định hết rồi ấy…
– …
– Phải sống ra sao, chơi với ai, học cái gì… cũng phải được cho phép. Con muốn một chút tự do cho bản thân mà khó quá.
– Nhiều khi ba mẹ cũng chỉ muốn tốt cho nhóc thôi mà.
– Muốn tốt cho con thì phải để cho con làm những gì mình thích chứ.
– Vậy là nhóc thích học vẽ hả.
– Dạ.
– Tưởng học vẽ để hiểu bản thân mình hơn thôi?
Tôi nhắc lại cái câu mà hồi mới đến con nhỏ nói với tôi. Nhỏ thẹn thùng chữa ngượng:
– Thì… con nói vậy thôi… chứ con thích học vẽ thật mà.
Thấy tôi tủm tỉm cười, con nhỏ nheo mắt lườm lườm.
– Có một cách để nhóc vẫn được đi học vẽ nè – Tôi nói.
– Cách gì ạ? – Nhỏ đưa mắt sát màn hình.
– Anh sẽ tới nói chuyện với ba mẹ nhóc, bảo là “Thưa hai bác, con là thầy giáo của Linh. Hôm nay con tới để thông báo với hai bác là dạo này Linh nó học hành sa sút quá, hai bác thu xếp cho nó học lớp phụ đạo của con để con kèm cho em nó. Nhanh và khẩn trương” rồi anh hốt nhóc đi thôi. Danh chính ngôn thuận. Haha.
– Nói xong là ba mẹ con hốt chú lên bàn thờ ngồi luôn đó. Hức