Yêu trẻ con - Quyển 1

Chương 9



Phần 9

Thất bại 1 – 10 ngay trận du đấu đầu tiên đã giáng một đòn nặng nề vào sự tự tin của cả đội. Buổi tập sau tụi nó chẳng còn tí tinh thần nào, mới tập được một tí đã nằm lăn ra sân thở phì phò, miệng đòi về không ngớt. Tình trạng này tiếp tục diễn ra những buổi tập sau khiến tôi bực mình:

– Đứng lên, đứng lên hết. Đàn ông con trai, mới thất bại có một lần mà gục rồi à?

Cả bọn rệu rã kéo nhau đứng lên, miệng phân trần:

– Không phải đâu anh ơi, do hôm nay tụi em mệt thật.

– Dạ, hôm nay học nhiều quá anh à.

– Mệt thật anh ơi.

Tôi xua tay:

– Thôi, không cần phải lý do. Anh hiểu tụi mày quá mà. Thua thì ai chả buồn nhưng anh hỏi lại một câu, có muốn đá giải nữa không?

Bọn con trai cúi mặt gãi gãi đầu không nói gì. Tôi không biết mấy hôm nay tụi nó mệt thật hay không, nhưng cái cách tụi nó đối diện với vấn đề và bị thu phục đã là một cái gì đó không thể chấp nhận được rồi, với bản thân tôi. Mặc dù tụi nó cũng chỉ mới 16, 17 tuổi đầu, dễ hào hứng chốc lát, dễ chán nản, dễ buông tay, nhưng học trò của tôi là phải khác, phải mạnh mẽ lên, phải hô mưa gọi gió lên. Vì tôi đẹp trai quá! (cho quảng cáo tí, hehe)

Tôi hỏi lại, lần này giọng mạnh hơn:

– Có muốn không?

Bọn nhỏ lí nhí trả lời:

– Dạ, có.

– Đàn ông con trai trả lời như buê đuê vậy. Nói to lên!

– CÓ.

Lần này tụi nó hét to, xem chừng tinh thần đã được xốc lại. Tôi gục gặt đầu hài lòng:

– Tốt, phải vậy chứ. Thôi hôm nay nghỉ sớm. Chủ nhật đi tập bình thường. Anh sẽ có bất ngờ cho tụi bây.

Điều bất ngờ mà tôi nói vào buổi tập Chủ nhật thực ra chẳng có gì bất ngờ lắm. Có một thứ hành động gọi là bản năng, nó mạnh hơn bất cứ thứ hành động nào khác trên đời. Môt kẻ sắp chết thì sẽ làm mọi thứ để được sống, đó gọi là bản năng sinh tồn. Một tên con trai thì sẽ làm mọi thứ để lấy điểm trong mắt bọn con gái, đó gọi là bản năng giống loài. Và điều bất ngờ của tôi cũng đơn giản chỉ có vậy, một thứ gọi là nhu cầu thể hiện, xuất phát từ bản năng.

Ngày hôm đó, sân bóng nơi chúng tôi thường tập bỗng nhiên khoác lên mình một sức sống mới. Sự xuất hiện của bọn con gái lớp vẽ mà đặc biệt là Đan Chi và nhỏ Băng Linh làm sáng bừng lên cả một khoảng sân rộng lớn. Bằng tất cả khả năng miệng lưỡi và sự đẹp trai của mình, cuối cùng tôi cũng đã lôi kéo được đám con gái tới cổ vũ cho tụi con trai tập bóng.

– Ôi mẹ ơi!

– Có thiệt vậy không trời.

– Cơn giông tố nào có thể kéo được tụi con gái lớp mình tới đây vậy trời.

Bọn con trai đang đứng khởi động bỗng nhiên khựng hết cả lại, thi nhau đưa tay dụi mắt để chắc chắn về điều mình đang nhìn thấy. Cả mấy anh con trai ở các sân bên cạnh cũng đột nhiên đâm sầm vào nhau té lăn quay cả đám. Trong con hỗn loạn còn kịp đưa tay lên chỉ trỏ “Ghẹ, có ghẹ kìa mậy”. Con nhỏ Băng Linh nở một lúm hạt gạo trên má. Nụ cười thơ ngây và rực rỡ như nắng hạ ấy làm mấy anh con trai lại đâm sầm vào nhau lần nữa.

– Ơ, sao chú bảo dẫn tụi con đi ký họa? – Nhỏ Băng Linh nhìn quanh ngơ ngác hỏi.

– Ừ ha, đây là sân bóng mà, có ai ký họa ở sân bóng đâu – Con bé Dạ Uyên bồi thêm vào.

– Thì ký họa nè – Tôi trả treo – Mấy đứa không thấy phong cảnh ở đây rất trữ tình à.

Tôi đưa tay chỉ về phía đám con trai đang đứng khởi động. Đùi thằng nào thằng nấy to như đùi trâu; lông chân, lông tay cứ xanh mơn một màu xanh hy vọng. Phía xa xa trong đám cỏ, một anh con trai ngô nghê đứng đái bậy, cái thế đứng vững vàng như non sông đất nước. Như thế mà không trữ tình à?

Thế nhưng tụi nó nào có cảm được cái đẹp như tôi đã cảm. Bọn con gái ngồi bệt xuống đất mếu máo bảo anh lừa tụi em. Nào tôi có lừa gì đâu, chỉ là cách hiểu của tụi nó và tôi không khớp nhau thôi mà. Đan Chi thở dài tiến tới an ủi tụi nhỏ:

– Thôi mình lớn rồi không chấp người già neo đơn các em ạ. Tranh thủ tới đây rồi, chị sẽ chỉ cho mấy đứa vẽ người luôn. Có thích truyện tranh không nè?

Bọn con gái gật đầu lia lịa, lôi bút chì, giấy vẽ ra sẵn sàng. Làm tốt lắm Đan Chi. Chỉ cần tụi nó ngồi yên làm như thể đang cổ vũ cho mấy anh con trai là được. Không khéo mấy anh còn tưởng các bạn gái đang vẽ mình và ra sức tạo dáng cũng nên.

Và thực sự liều doping này đã phát huy tác dụng. Cả buổi hôm đó, tụi con trai chạy hùng hục như trâu nước, chả thấy kêu ca mệt mỏi gì. Bọn nó xông pha, lăn xả, hò hét ỏm tỏi. Mấy đứa con gái lúc đầu còn tập trung ngồi vẽ, sau thấy diễn biến trên sân hấp dẫn quá nên chuyển sang ngồi coi bóng luôn. Rồi bọn nó cũng hò hét, cổ vũ ỏm tỏi.

Nhỏ Băng Linh lon ton chạy qua ngồi bên cạnh tôi hỏi:

– Sao chú không đá?

– Anh bị đau chân – Tôi trả lời.

– Chú không biết đá banh đúng hem?

– Còn khuya. Đây hồi xưa hơi bị có số có má đó nghen. Chẳng qua số đen thôi.

Rồi tôi kể cho nhỏ hồi cấp 3 tôi làm tiền vệ hay như thế nào. Tôi đá cho đội tuyển trường ngay từ năm lớp 11. Lên đại học tôi cũng đá cho khoa, rồi bị chấn thương mắt cá nghiêm trọng phải nghỉ mất 1 năm, từ đó tôi đâm ra nhát bóng, dù có đá lại được cũng mãi mãi không thể như xưa, nhưng tầm nhìn chiến thuật thì vẫn sắc bén lắm. Tôi mãi khua chân múa tay mà không để ý nhỏ Linh ngồi bên đã ngủ gật từ bao giờ. Tôi lay con nhỏ dậy, nhỏ khẽ vén làn tóc đen huyền óng ả qua một bên rồi hỏi:

– Chút chú chở con về nha?

Con nhỏ nhẹ nhàng nhìn tôi trìu mến. Đôi mắt trong veo của nhỏ có một cái gì đó khiến tôi cứ thấy ngờ ngợ dù không thể cắt nghĩa được.

Chả nhớ là đã bao lâu trôi qua kể khi tôi nhìn vào đôi mắt nhỏ. Một cảm giác quen quen cứ lởn vởn ở trong đầu nhưng nhạt nhòa như làn khói trắng, nhìn chẳng rõ. Lúc đầu tôi cứ nghĩ tôi đã gặp đôi mắt này ở đâu đó, nhưng rồi tự vấn mình rằng, chẳng qua đôi mắt đẹp quá, giống như một xoáy nước giữ chân những con thuyền, tôi bị lạc vào đó như đứa trẻ ngây ngô lạc vào một rừng sim tím ngắt.

Rồi nhỏ Linh kéo tôi ra khỏi rừng sim bằng tiếng gọi thỏ thẻ:

– Chú ơi, sao thế?

Tôi trở lại với thực tại, lúng túng nói:

– À không… không có gì. Mà nãy nhóc mới hỏi gì ấy nhở?

– Chút chú chở con về nha?

Nhỏ lại hỏi tôi câu đấy. Cái câu mà đáng lẽ tôi không nên cảm thấy phiền lòng gì cả, nhất là khi nó xuất phát từ một đứa học trò, thì lại làm tôi phiền lòng thật. Con nhỏ khó hiểu quá, tôi thì lại không có thời gian để hiểu. Tôi nhớ lại cách đây không lâu mình mới hạ quyết tâm như thế nào nên từ chối ngay:

– Hôm nay thì không được rồi.

– Sao thế ạ?

– Anh bận rồi.

– Bận gì ạ?

– Bận việc chứ bận gì. Mà kể cả không bận đi nữa thì không thể lúc nào anh cũng chở nhóc về được.

Tôi nói hơi gay gắt. Nhỏ Linh nghe thế mặt buồn thiu, quay sang bên kia ngồi bứt bứt mấy cọng cỏ. Tôi mặc kệ con nhỏ ngồi đó, chạy ra sân tập với đội bóng. Hôm đó tôi không chở con nhỏ về, cũng không để ý nó về với ai. Tôi định bụng hôm đó nói chuyện rõ ràng, để con nhỏ không làm phiền tôi nữa. À mà không đúng, không phải tôi sợ bị làm phiền, mà là sợ con nhỏ gần gũi tôi quá, nhỏ thích tôi nữa thì chết. Nhỏ còn trẻ con quá. Tuổi 17 dễ rung động, dễ thích, dễ yêu mà cũng dễ tổn thương. Mà tôi có làm cái mọe gì để con nhỏ phải rung động đâu ta? Đến bây giờ vẫn không hiểu nổi.

Chương trước Chương tiếp
Loading...