Mùa nước nổi
Chương 107
Bỏ lại Hà Nội, chúng ta về vùng đất bãi, trở lại với con đường lập nghiệp của Nghĩa nhé. Sau khi có được khoản tiền đầu tư của anh chị Tiến – Nhài (giờ gọi như thế đã được chưa nhỉ?) Và số tiền rất lớn của Thủy Tiên gửi về thông qua mẹ Cẩm Tú. Cộng thêm các khoản vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách của Sở Nông nghiệp và địa phương, Nghĩa đã không còn phải lo lắng về chuyện vốn ban đầu nữa. Giờ cậu tập trung vào việc hướng dẫn bà con công tác cải tạo đất, ươm cây giống, hạt giống, chuẩn bị phân bón hữu cơ cho vụ mùa tiếp theo cũng như việc hoàn thiện hệ thống tưới tiêu thủy lợi.
Tính Nghĩa cẩn thận, lại tỉ mỉ. Việc trồng hoa màu đối với người dân xóm Bãi đã ăn vào máu rồi, nhiều nếp nghĩ cũ, cách làm cũ đã trở thành thói quen. Việc trồng theo mô hình mới về cơ bản vẫn giống cách trồng cũ nhưng bản chất là thay đổi rất lớn, chính vì vậy, ngoài sách hướng dẫn gửi tới từng xã viên, Nghĩa luôn luôn bám sát đồng ruộng, cầm tay chỉ việc từng người, hướng dẫn cách làm từng khâu kể cả là nhỏ nhất.
Từ tờ mờ sáng Nghĩa đã có mặt ở ruộng tới tận tối mịt cậu cũng là người về cuối cùng, ngày qua ngày không ngơi nghỉ lấy một phút một giây nào. Người dân xóm Bãi khâm phục Nghĩa lắm, trẻ tuổi mà làm việc đâu ra đấy, tỉ mỉ từng việc cỏn con một. Có vài người đã không còn gọi với cái tên cúng cơm ‘Nghĩa’ nữa mà đã dần dần thêm cái danh xưng phía trước thành “chủ nhiệm Nghĩa”, lâu dần thành quen.
Một buổi chiều tà như bao ngày, sau khi đã xong hết công việc, Nghĩa lên đê ngồi, chẳng hiểu sao, cậu lại ra đúng cái chỗ có cây tre già chắn sóng. Đó là một thói quen đã hình thành từ lúc Nghĩa còn là cậu học sinh mài đũng quần trên ghế nhà trường, bởi nơi này gắn liền với mối tình dang dở thủa xưa, với cô “bạn gái” xinh đẹp nhất trường tên Trang. Hoặc cũng có thể nơi này có vị trí đẹp, bên cạnh mấy cây tre già đã ngả sang màu vàng, không hiểu sao xung quanh không có cây tre nào có thể lớn được, tạo ra một khoảng trống để cậu có tầm nhìn về phía sông Hồng, về vùng đất bãi.
Sông Hồng vẫn vậy, vẫn hiền hòa thơ mộng cần mẫn mang trong mình phù sa, vẫn dập dềnh sóng nước. Ấy là vào mùa này thì vậy thôi, chứ vào mùa mưa, mùa nước lên, cũng đanh đá như cô nàng ngổ ngáo năm nào.
Đất bãi hiện giờ không có màu xanh mượt của những cây hoa màu nữa, lộ thiên là đất màu phớt đỏ phớt hồng, đất đang nghỉ ngơi lấy sức cho những vụ mùa canh tác kiểu mới, lô nhô mỗi đầu bờ ruộng là một ụ đất to như đống rơm, đó là các ụ ủ phân hữu cơ, loại phân bón chính cho cây trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Một khu vực riêng sát gần phía đê nhất được làm giàn dùng để trồng các loại cây leo. Giàn có các cột trụ bằng bê tông cốt thép, nối các cột trụ này bằng khung sắt, đan nan bằng cây tre.
Mặc dù không có trồng cây, nhưng hệ thống tưới tiêu vẫn hoạt động, vừa là để thử nghiệm vận hành, vừa là để làm cho đất no nước, theo đó các chất độc hại thấm xuống tầng đất sâu hơn.
Nghĩa ngồi phệt xuống nền cỏ ở triền đê, tựa mình vào lưng đê, tay vơ bừa một ngọn cỏ xanh mướt ở bên cạnh đưa lên miệng nhằn nhằn. Bỗng một giọng nói trong veo quen thuộc trong ký ức vang lên từ phía sau đầu cậu, ở trên đê:
– Chủ nhiệm Nghĩa!
Nghĩa bật thẳng lưng dậy, quay người lại nhìn lên phía giọng nói phát ra, cậu bất thần trong một khoảng thời gian không ngắn. Người con gái ấy khác quá nhiều so với trong ký ức của cậu, cô gái không mặc chiếc quần vải, chiếc áo sơ mi đồng phục học sinh, tóc không tết đuôi sam dài tới tận thắt lưng nữa. Thay vào đó, cô gái đứng trước mặt cậu, ánh mắt chớm vào bụi tre già rồi nhìn xa xăm về phía sông Hồng, về vùng ruộng màu, tóc để xõa ngang vai, trên người cô mặc một bộ vest kiểu của nữ, bên trong là một chiếc áo sơ mi màu hồng nhạt, cô đi giày da nữ màu đen. Nhìn cô giống một nữ doanh nhân thành đạt, mặc dù tuổi còn rất trẻ.
Khuôn miệng Nghĩa tròn vo một lúc lâu mới phát ra được tiếng:
– Trang!
Trang hạ thấp trọng tâm mình để bước vài bước xuống triền đê, đến cạnh Nghĩa rồi cô ngồi xuống, hai đầu gối nhô cao chụm vào nhau, hai tay bám vào hai đầu gối để khép chân lại. Trang đẹp hơn xưa rất nhiều, cô ăn mặc đẹp, lại biết cách trang điểm một cách nhẹ nhàng để tôn lên những nét đẹp trên khuôn mặt mình. Từ hồi còn đi học, Trang đã thể hiện mình là người hướng ngoại. Ấy vậy nên, trong bộ đồ này càng làm Trang trông phù hợp hơn.
Thấy Nghĩa chẳng nói thêm được câu nào ngoài gọi tên mình, Trang quay sang nhìn Nghĩa, thấy bạn vẫn tròn xoe đôi mắt nhìn mình như nhìn một người từ ngoài hành tinh mới trở về trái đất, Trang vỗ nhẹ vào đầu gối Nghĩa để cho bạn bừng tỉnh:
– Này, gì mà cậu nhìn tớ cứ như là mấy chục năm không gặp vậy?
Nghĩa bừng tỉnh thật, cậu ấp úng nói thật lòng mình:
– Cậu khác quá.
– Khác thế nào?
– Thì… thì… chẳng biết nói sao nữa… Chỉ biết rất khác thôi.
Có lẽ trong đầu của Trang và Nghĩa đều đang quay ngược thời gian trở về cái hồi xưa bé ấy, cái hồi hai đứa còn dung dăng dung dẻ dắt tay nhau đến trường, cái hồi của những nụ hôn trộm vào má, bạo dạn lắm mới dám chạm vào môi. Hồi xưa nó vậy, chứ giờ đây, chắc chỉ trong một nốt nhạc là Trang đã trần truồng rồi. Bậy quá.
– “Không giống với hồi ngày xưa nữa chứ gì?”, Trang tủm tỉm cười.
– Ừ, mà sao cậu lại cắt tóc?
Mọi thứ thay đổi của Trang đều làm cho cô đẹp lên, riêng có mái tóc thì làm Nghĩa tiếc. Bởi hai bím tóc đuôi sam cộng với má lúm đồng tiền của Trang đã là một phần tuổi thơ của Nghĩa rồi. Nay mất đi có muôn phần tiếc nuối.
Vẫn chưa bỏ được thói quen đưa hai tay lên vuốt bím tóc bện của mình ở trước ngực, cô bất chợt làm lại động tác đó trước mắt Nghĩa, hai bàn tay không bám được vào đâu, trượt xuống ngực qua chiếc áo vest. Không khó để Nghĩa nhận ra, bầu vú chõm cau thủa dậy thì cũng đã mất đi rồi, thay vào đó là một bộ ngực tràn đầy sức sống của người con gái tuổi thành thục.
Trang biện hộ cho việc cắt tóc của mình:
– Giờ tớ không còn là học sinh nữa, không còn là sinh viên nữa, tớ đã đi làm rồi nên cần phải thay đổi cho phù hợp.
Ánh mắt Nghĩa lại nhìn về phía xa, nhớ hồi đó, hai đứa vẫn thường ra đây ngồi rồi ngắm dòng sông quê hương, lúc đó sao mà gần gũi đến như thế. Nhưng giờ đây, mặc dù không ai nói ra, trải qua bao nhiêu chuyện, bản thân hai đứa cũng đã lớn rồi, có trải nghiệm của riêng mình, tức khắc có sự xa cách không hề nhỏ.
– Ừ, tớ quên mất là cậu đã thay đổi rồi.
Câu nói đầy ẩn ý của Nghĩa vừa nói ra làm Trang cau mày suy nghĩ. Lời hẹn thề nếu Nghĩa đỗ đại học thì Trang sẽ nhận lời yêu Nghĩa mà bụi tre già kia làm chứng vẫn còn văng vẳng đâu đây, rồi hai đứa mỗi người mỗi nơi, mỗi người theo đuổi một mục tiêu khác nhau, hay nói cách khác là chia tay mối tình đầu cũng chưa một lần nói ra cho dứt khoát.
Trang giọng chua cay, phả phất nỗi niềm cất giữ bao nhiêu lâu nay, giờ gặp Nghĩa ở đây, Trang cũng muốn một lần nói ra cho hết, bởi tương lai phía trước của cuộc đời cô sẽ gắn bó với một người đàn ông khác, cô sẽ phải rũ bỏ tâm sự của mình đặng mà tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, cũng là một lần dứt khoát với mối tình đầu:
– Thay đổi ư? Cậu mới chính là người thay đổi nhiều nhất. Cậu có biết chính tại nơi đây cậu đã hứa với tớ như thế nào? Chắc cậu quên rồi phải không? Để tớ nhắc cho cậu nhớ. Cậu hứa là sẽ đỗ đại học cùng với tớ, rồi hai đứa mình sẽ thành một đôi.
Thấy Trang thay đổi tâm trạng, Nghĩa định chen vào giải thích về quãng thời gian năm ấy, nhưng được đà Trang nói tiếp:
– Mùa nước lên năm đó, gia đình cậu gặp cảnh khó khăn tớ không phải không hiểu. Tớ luôn luôn tin vào cậu sẽ vượt qua được tất cả, rằng cậu sẽ đi học lại và thực hiện lời hứa của mình.
Nghĩa bồi hồi, tim cậu đập loạn nhịp vì nếu theo tiến trình này thì hai đứa hình như có sự hiểu lầm gì đó về nhau, chưa bao giờ hai đứa căng thẳng như thế này. Cậu chen vào:
– Nhưng…
Và Trang tiếp tục ngắt lời lần Nghĩa lần nữa, không cho Nghĩa nói:
– Nhưng cậu thấy tớ đi chơi với Toàn, cậu nghĩ là tớ thay đổi à? Có phải như vậy không? Cậu trả lời tớ đi.
– Điều đó không phải sao?
Trang cười chua chát, hai mắt cô đã bắt đầu ươn ướt, không khóc để trở thành giọt nhưng cũng đủ để người đối diện biết được tâm trạng của Trang lúc này:
– Nghĩa ơi, tớ với cậu là bạn với nhau từ lúc hai đứa còn chập chững tập đi, rồi học cùng trường, cùng lớp, chung bàn với nhau từ lớp 1 đến tận hết lớp 12, cậu vô tình hay là cậu cố tình không hiểu về tớ vậy hả Nghĩa? Cậu nghĩ về tớ chỉ như vậy thôi sao? Vì cậu khó khăn, vì cậu đi làm lao động tự do? Vì cậu không học đại học mà tớ có thể thay đổi tình cảm của mình được hay sao? Tớ đã nói và giải thích ngay từ lần đầu tiên cậu lên phòng ký túc của tớ, rằng tớ chỉ coi Toàn là bạn đồng hương bình thường, bình thường như hàng tá người con trai khác tán tỉnh tớ. Toàn thích tớ, điều đó tớ không phủ nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là tớ phải thích lại bạn ấy. Người tớ luôn chờ đợi là cậu. Nhưng từ dạo đó, cậu đã chẳng bao giờ đến tìm tớ nữa.
Nghĩa trầm ngâm hai tay xoa vào mặt để nghe Trang nói tiếp, đàn bà một khi muốn nói thì cứ để cho nói bằng hết mới thôi:
– Lần cậu xảy ra chuyện bị người ta hiểu lầm, hôm 30 Tết, lúc cậu đến nhà tớ, cậu có biết là tớ mừng như thế nào không? Rồi cậu hỏi tớ có tin cậu không? Lúc đó, sao cậu không nán lại vài giây nữa để nghe tớ nói hết là “Tớ tin cậu”. Người khác có thể nghĩ về cậu như thế nào, nhưng riêng tớ, tớ luôn tin vào con người cậu sẽ không bao giờ làm cái chuyện đó.
Ra Giêng, tớ vẫn mong một ngày cậu đến tìm tớ. Tớ đợi mãi, rồi cuối cùng cậu cũng cậu cũng xuất hiện ở cổng trường tớ. Lúc đó tớ mừng lắm? Nhưng cậu đến đó lại không phải là tìm tớ, mà là tìm Tuyết, một người bạn mà tớ rất quý mến. Hai người còn tình cảm đi chung một xe. Lúc đó tớ đau khổ lắm cậu có biết không? Có phải vì cậu đã thay đổi, đã thích Tuyết nên đã xa lánh tớ rồi.
Các bạn chắc vẫn còn nhớ, chuyện ở cổng trường mà Trang vừa nhắc tới là cái lần Nghĩa mới chuyển đến thuê nhà anh Tiến rồi va chạm với Tuyết tiểu thư, sau đó Tuyết bị đau chân và Nghĩa học đi xe máy của Tuyết, đưa đón Tuyết đi học mấy hôm. Lần đó, Trang nhìn thấy.
Nói một thôi một hồi Trang mới dừng lại, cô chấm chấm ống tay áo vest lên mắt để lau đi giọt nước mắt vừa mới trào ra. Nói được ra những tâm sự này, Trang cũng cảm thấy nhẹ nhõm đi hẳn. Chuyện này cô cũng chẳng thể nói ra cho bất kỳ ai được, nhất là với Toàn, người mà cô mới nhận lời yêu dịp Tết vừa rồi, khi cả hai đứa đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định.
Nói đi cũng phải nói lại. Toàn là người tốt, một lòng theo đuổi cô suốt những năm tháng học đại học, lại tôn trọng tình cảm mà cô đã từng dành cho Nghĩa. Toàn biết chứ, ngày đó trong lòng Trang vẫn chỉ có Nghĩa mà không có mình. Nhưng Toàn tin tưởng và kiên trì theo đuổi, hy vọng rằng Trang sẽ cảm kích. Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Rồi sau đó là sự xuất hiện của Thủy Tiên ở xóm Bãi, một cô gái thành phố xinh đẹp giỏi giang mà người dân trong xóm ai ai cũng biết là người yêu của Nghĩa, vì Thủy Tiên hay về đây chơi với mẹ Tươi lắm. Lúc đó Trang mới khẳng định là Nghĩa đã có người yêu khác và dần dần mới mở lòng đón nhận tình cảm của Toàn.
Hai đứa im lặng hồi lâu không ai nói với ai câu gì, với Trang, sau khi nói ra được những tâm sự này, cô cảm thấy nhẹ nhõm đi hẳn trong người, không còn vướng bận gì quá khứ nữa. Nếu ai nghĩ rằng Trang nói ra để níu kéo và muốn thay đổi một cái gì đó thì hoàn toàn là không đúng. Nói một lần rồi thôi, nói một lần để không phải hối tiếc về tuổi trẻ, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Giờ đây, Trang và cả Nghĩa, mỗi người đã đi về một hướng cách xa nhau, có muốn quay lại cũng chẳng được nữa rồi.
Nghĩa nói phá tan không gian im lặng:
– Giờ Trang còn giận tớ không?
Nói ra được những lời này bởi Nghĩa vừa mới xâu chuỗi lại tất cả sự việc đã xảy ra giữa cậu và Trang. Nhiều phần vẫn là lỗi của cậu, do cậu không thực sự tin tưởng vào Trang, do cậu thực sự không thấu hiểu được người bạn của mình, để rồi thành ra có sự hiểu lầm về Trang. Nhưng thôi, mọi thứ có lẽ cũng là do sự sắp đặt của một đấng siêu nhiên nào đó. Giờ có giải thích cũng chẳng để làm gì? Chỉ khơi lại vết thương đã liền mà thôi.
Khuôn mặt Trang đã trở nên bình thường như lúc cô vừa tới đây, giọng nói cũng không còn chua xót nữa rồi, cô lắc đầu, lại còn có ý đùa thì phải:
– Không, vừa hết giận rồi. Có lẽ cũng là số phận, ngay cả tên của hai đứa cũng đã không hợp để thành đôi rồi.
Là Trang đang nhắc đến chuyện hồi đi học vẫn bị bọn bạn ghép tên hai đứa để trêu. Nghĩa cười lại với câu nói bông đùa của Trang.
– “Mình vẫn là bạn chứ?”, Nghĩa hỏi.
Trang trả lời:
– Không là bạn mà tớ lại ngồi đây nói chuyện với cậu suốt từ nãy đến giờ à. Đúng là ngốc vẫn hoàn ngốc.
– Vậy là tớ mừng rồi.
– Tớ chúc cậu thành công với dự án của mình, hơn một mẫu ruộng của gia đình tớ giờ là của cậu rồi đấy. Cậu mà làm ăn không tử tế là chết với tớ đấy. Thôi tớ đi về đây.
Trang đứng hẳn dậy, phủi phủi vài ngọn cỏ xanh dính vào đít quần, nhìn Trang phủi đít mà Nghĩa bất giác nuốt nước bọt đánh ực một cái. Hồi cậu mới lớn, chả ước ao được nhìn thấy nội thất bên trong lớp áo của Trang đó sao. Nhưng rồi chỉ vì hiểu lầm mà mãi mãi ước mơ đó là dang dở.
Đi được vài bước, Trang đứng lại, quay đầu nói:
– À Nghĩa này.
– Gì vậy Trang?
Ậm ừ một lúc, Trang nói rất hùng hồn:
– Mình chia tay đi. Tớ hết yêu cậu rồi.
Nói xong Trang chạy thật nhanh, bỏ lại Nghĩa một mình trên bờ đê với tâm hồn nhẹ nhõm và thư thái nhìn mặt trời lặn phía bên kia sông. Ừ nhỉ? Hai đứa đã từng nói lời yêu. Ấy vậy mà khi mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người đều có một bến đỗ khác nhau nhưng vẫn chưa một lần nói chia tay. Nay mới nói để khép lại một tình yêu đẹp thuở học trò. Có lẽ giờ những kỷ niệm về quãng thời gian ấy sẽ được hai đứa cất kỹ vào một góc nào đó trong trái tim, để mỗi lúc trở về với tuổi thơ mới lại lôi ra. Trong một bài hát nào đó có câu, “tình đẹp khi tình dang dở”. Có mấy mối tình đầu nào trở thành tình cuối đâu. Phải không các bạn?